Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của một bộ phận người dân, điển hình như vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa vào ngày 11 và 12/3/2024 làm 369 người nhập viện điều trị và đặc biệt mới đây nhất, vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4/2024 với trên 500 người mắc phải nhập viện điều trị, gây lo ngại trong Nhân dân.
Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tướng Chínhphủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; để chủ động tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, mưa giông như hiện nay, UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung sau:
1. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp tại Quyết định số 758/QĐ-UBND ngày 23/3/2021 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
2. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, chú ý kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, phối hợp với các Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương tăng cường dung lượng, thông tin về an toàn thực phẩm, chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội cùng chung tay, góp sức vì thực phẩm sạch, chất lượng, an toàn. Vận động, tuyên truyền, biểu dương, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.
3. Tập trung lực lượng triển khai kiểm tra có trọng tâm các cơ sở thuộc phạm vi quản lý theo phân công, phân cấp, đảm bảo tránh chồng chéo hoặc bỏ sót cơ sở; đặc biệt lưu ý tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh thực phẩm, gánh hàng rong trước cổng các trường học... Kiên quyết xử lý nghiêm, không để các cơ sở không bảo đảm điều kiện về an toàn thực phẩm hoạt động; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.
4. Tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và theo phân công, phân cấp.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam phối hợp với Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.
6. Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, lực lượng, thuốc men và trang thiết bị để triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm. Hướng dẫn người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu, điều trị kịp thời khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc, trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng phải chuyển lên tuyến trên để điều trị kịp thời.
7. Quán triệt và thực hiện nghiêm quy chế phát ngôn về ngộ độc thực phẩm theo quy định, tránh trình trạng cung cấp thông tin thiếu chính xác, không nhất quán, gây hoang mang dư luận.
/Portals/0/tuyn%20tnh_%20CV%20trien%20khai%20CD%2044%20cua%20Thu%20tuong%20Chinh%20phu_signed.pdf